Thế thứ chính quyền nhà tiền Lý (542-602)

Giao Châu thời Tiền Lý
Giao Châu thời Tiền Lý
Giao Châu thời Tiền Lý

Năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí (còn có tên khác là Lý Bôn) đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy lật nhào ách đô hộ của nhà Lương (một triều đại của Nam Triều ở Trung Quốc thời Nam – Bắc tiều). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Lý Bí đã dành lại được thắng lợi và thiết lập một chính quyền độc lập, tự chủ riêng.

Nhiều bộ sử cũ vẫn giọi khoảng thời gian từ năm 542 đến năm 602 là thời tiền Lý, dấu thực tế không hoàn toàn như vậy. xét rằng, các chính quyền khác xuất hiện trong khoảng thời gian nào, tuy không đúng là của nhà tiền Lý nhưng lại dược xây dựng trên cơ sở thắng lợi của nhà tiền Lý, cho nên, chúng tôi cũng gộp chung mà giọi là nhà tiền Lý.

Thời tiền Lý có mấy hệ thống chính quyền sau đây:

1./ Lý Nam Đế (542-548)

  • Họ và tên: Lý Bí (còn có tên khác là Lý Bôn).
  • Nguyên quán là đất Thái Bình (đất này nay thuộc vùng tiếp giáp giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây – Hà Nội).

Hiện chưa rõ năm sinh.

  • Năm 542, Lý Bí phát động khởi nghĩa và chỉ trong vòng 3 tháng đã quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi.

+ Năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Lý Nam Đế.

+ Đặt Quốc hiệu là: Vạn Xuân.

+ Niên hiệu: Đại Đức (cũng có thư tịch cũ chép là Thiên Đức.

+ Kinh đô: Long Biên

  • Liên tục trong 2 năm 545 và 546 nhà Lương cho quân sang đàn áp. Sau trận thất bại ở hồ Điển Triệt (thuộc Vĩnh Phú ngày nay), Lý Nam Đế giao quyền bính lại cho Triệu Quang Phục rồi lãnh vào động Khuất Lão (thuộc Vĩnh Phú ngày nay) và mất ở đấy vào năm 548.
  • Do chưa biết năm sinh nên chưa rõ Lý Nam Đế thọ bao nhiêu tuổi.

2./ Triệu Việt Vương (546-571)

  • Họ và tên: Triệu Quang Phục
  • Nguyên quán: Phủ Vĩnh Tường. Phủ này nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây và Vĩnh Phú.
  • Khi Lý Bí phát động khởi nghĩa, Triệu Quang Phục và cha là Triệu Túc cùng hưởng ứng. Khi Lý Bí xưng là Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục được phong tới chức Tả Tướng.
  • Năm 546, Sau trận thất bại ở hồ Điển Triệt, Triệu Quang Phục được Lý Nam Đế ủy thác quyền trông coi nghĩa binh. Triệu Quang Phục đã đưa lực lượng về đầm Dạ Trạch (đầm này nay thuộc Châu Giang, Hải Hưng) và tổ chức chiến đấu tại đây.
  • Năm 548, sau khi nghe tin Lý Bí qua đời, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương.
  • Năm 557, Triệu Việt Vương đã đánh tan lực lượng đi càn quét của nhà Lương, giành lại quyền tự chủ cho đất nước, đồng thời thành lập một guồng máy chính quyền độc lập do ông đứng đầu.
  • Năm 571, do Lý Phật Tử tấn công bất ngờ, Triệu Việt Vương thua trận và bị giết.
  • Do chưa biết năm sinh nên chưa rõ Triệu Việt Vương thọ bao nhiêu tuổi.

3./ Lý Phật Tử

  • Năm 546, khi thua trận ở Điển Triệt, lực lượng của Lý Nam Đế chia làm hai. Bộ phận thứ nhất do Triệu Quang Phục (người về sau xưng là Triệu Việt Vương) cầm đầu. Triệu Quang Phục là vị tướng được Lý Nam Đế tin cậy và ủy thác mọi quyền bính. Bộ phận thứ hai do Lý Phục Man cầm đầu. Lý Phục Man tên họ là gì chưa rõ, ông vì có công chinh phục người Man, được Lý Nam Đế yêu quý mà đặt tên là Phục Man, lại được cho lấy họ Lý, sử nhân giọi là Lý Phục Man. Ông người làng Yên Sở. Làng này nay thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.
  • Cũng năm 546, nếu Triệu Quang Phục bám trụ ở đầm Dạ Trạch và chiến đấu ngoan cường với quân nhà Lương thì Lý Phục Mạn đã đem lực lượng chạy vào vùng phía tây Thanh Hóa ngày nay.
  • Năm 555, Lý Phục Man mất, một vị tướng người cùng họ với Lý Nam Đế là Lý Phật Tử lên thay.
  • Năm 557, khi Triệu Việt Vương đánh tan quân nhà Lương thì Lý Phật Tử cũng lập tức đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành quyền bính.
  • Sau nhiều trận không phân thắng bại, hai bên tạm lấy vùng đất tương ứng với huyện Từ Liêm (Hà Nội) ngày nay làm ranh giới. Từ đất này trở về nam trở về nam thì do Lý Phật tử cai quản, trở ra bắc thì do Triệu Việt Vương cai quản.
  • Lý Phật Tử cho con trai là Lý Nhã Lang kết hôn với con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương, mượn danh nghĩa thông gia để làm cho Triệu Việt Vương mất cảnh giác.
  • Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ cho quân đánh úp, khiến Triệu Việt Vương bị đại bại và bị giết. Lý Phật Tử thâu tóm mọi quyền hành. Sử cũ giọi là nhà Hậu Lý Nam Đế.
  • Năm 581, nhà Tùy được dựng lên. Sau một thời gian lo củng cố chính quyền thống trị ở Trung Quốc. năm 602, nhà Tùy liền dùng áp lực quân sự, khiến Lý Phật Tử phải đầu hàng. Không thấy sử cũ chép gì về số phận của Lý Phật Tử sau khi đầu hàng.
  • Chưa rõ năm sinh và năm mất nên chưa rõ Lý Phật Tử thọ bao nhiêu tuổi.

https://lytoc.vn/ly-toc/lich-su-ho-ly

Xin phép trích lại đoạn sử này trong cuốn sách “THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA VIỆT NAM” của tác giả Nguyễn Khắc Thuần, xuất bản năm 1996.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *